Công nhân làm việc tại Công ty cồ phần in số 7, quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều chuyên gia đã đề xuất như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vượt khó, sớm phục hồi. Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa thừa nhận DN trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều DN không đủ sức để lớn. Do đó, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ DN phục hồi.
Nên nâng mức giảm thuế, tăng thời gian hỗ trợ...Trong 5 tháng đầu năm 2024, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), dù cả nước có khoảng 98.800 DN gia nhập thị trường nhưng cũng có đến 97.300 DN rời bỏ thị trường, bình quân mỗi tháng có khoảng 19.500 DN rời bỏ thị trường.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng TCTK, một trong những khó khăn lớn nhất của các DN là tắc đầu ra sản phẩm. Nhiều DN phải chấp nhận ký đơn hàng với lợi nhuận thấp hơn để có việc làm, duy trì sản xuất.
Nhiều DN khác gặp khó khăn về vốn, buộc phải rút lui khỏi thị trường. Ngoài ra, DN cũng đang gặp nhiều khó khăn về môi trường pháp lý, thể chế, thủ tục hành chính. Để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, theo ông Lâm, trước mắt cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước.
"Đặc biệt, Chính phủ nên tiếp tục chính sách giảm thuế VAT mạnh hơn nữa. Chẳng hạn, tăng mức giảm thuế VAT từ 2% lên 5% để hỗ trợ người tiêu dùng, đồng thời có chính sách hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường như đã từng hỗ trợ ngành nông nghiệp trong xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc trong năm 2023", ông Lâm đề xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tô Hoài Nam, phó chủ tịch thường trực, kiêm tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết nếu so với 3 tháng đầu năm, số DN thành lập mới trong 5 tháng đã vượt lên dù chưa nhiều. Điều này phần nào cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã thấm vào nền kinh tế, bức tranh DN đã tích cực hơn.
Dù vậy, nếu nhìn vào khu vực thương mại, dịch vụ với hàng loạt hộ kinh doanh, DN bán buôn, bán lẻ, kinh doanh ăn uống trả mặt bằng..., tình hình vẫn rất căng. Số liệu khảo sát cũng cho thấy có 64% DN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang gặp khó. Như việc trả mặt bằng cũng một phần cho thấy xu thế bán hàng qua mạng đang phần nào thay thế bán hàng truyền thống.
Do đó, theo ông Nam, ngoài các chính sách giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất..., cũng cần có những chính sách hỗ trợ cho từng nhóm ngành kinh doanh. Ví dụ với khu vực kinh doanh dịch vụ, thương mại cần hỗ trợ tiếp cận vốn trung hạn để các DN, hộ kinh doanh thực hiện nâng cấp hệ thống bán hàng, số hóa kênh bán hàng.
Ngoài ra, cần bổ sung các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, hỗ trợ phí công đoàn, bảo hiểm để giảm bớt gánh nặng cho DN, người lao động.
"Và để hỗ trợ các DN phục hồi, chính sách giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất nên kéo dài cho một số ngành, lĩnh vực thiết yếu đến hết năm 2025. Bởi khoản thuế, tiền thuê đất DN chưa phải nộp sẽ giống như một khoản vốn Nhà nước hỗ trợ cho DN vay với lãi suất 0% trong thời gian giãn, hoãn", ông Nam đề xuất.
Khu thương mại trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM thời điểm tháng 7-2023 (ảnh trái) đến nay đã hoạt động nhộn nhịp trở lại (ảnh chụp trưa 24-6-2024) - Ảnh: QUANG ĐỊNH Xu hướng trả mặt bằng chưa dừng...
Ngày 17-6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định 64 về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2024. Đây là giải pháp kịp thời để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, cần giải pháp mạnh hơn theo hướng giảm 5% thuế VAT, kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đến hết năm 2025...
Đặc biệt, theo các chuyên gia, cần tiếp tục thúc đẩy cải cách, gỡ vướng thủ tục, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Ông Nguyễn Đức Tâm, vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH-ĐT, thừa nhận từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phức tạp, nằm ngoài dự báo của các nước, nhiều tổ chức quốc tế ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng 2024.
"Hoạt động xuất khẩu có sự phục hồi tích cực nhưng trong thực tế, nhiều DN, hộ kinh doanh vẫn rất khó khăn, đã phải nhượng lại mặt bằng kinh doanh ở trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng với hàng hóa Việt Nam ở cả thị trường trong nước và quốc tế", ông Tâm nói.
Nguồn: GSO - Tổng hợp: BẢO NGỌC - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Thừa nhận DN đang gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết đang giao cho TCTK thực hiện khảo sát thực tế hoạt động DN trong 6 tháng đầu năm, tình trạng trả cửa hàng, cửa hiệu, trả mặt bằng của DN... để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
"DN không đủ sức lớn lên thì rất khó nói đến việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối với DN FDI. Điều này không thể hô hào, chúng ta phải làm, phải có giải pháp để DN trong nước lớn lên", ông Dũng nói và khẳng định các DN trong nước đang rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Chẳng hạn, Nhà nước nên hỗ trợ những người từng tham gia vào quy trình sản xuất, nắm công nghệ tại các DN FDI lập nghiệp... Đặc biệt, phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị... Đây cũng là lý do mà Bộ KH-ĐT đề xuất thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về cải cách do Thủ tướng làm trưởng ban.
Dẫn câu chuyện một nhà máy sản xuất ô tô Tesla tại Trung Quốc với quy mô vốn đầu tư hàng tỉ USD nhưng từ khi khởi công đến khi khánh thành đưa vào sản xuất chỉ mất chưa đầy 1 năm hoặc chỉ mất khoảng 68 ngày để xây trung tâm thương mại như Aeon tại Việt Nam, ông Dũng cho rằng nếu Việt Nam không thay đổi sẽ rất khó cạnh tranh.
"Tinh thần là phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa, đi vào gốc rễ của từng vấn đề, từng thủ tục mới khơi thông được các điểm nghẽn, mới giải phóng các nguồn lực. Nguồn lực trong xã hội rất lớn nhưng cứ tắc như hiện nay thì không thể phát huy được, thậm chí làm nản lòng nhà đầu tư tư nhân", ông Dũng nhấn mạnh.
Kinh doanh dịch vụ vẫn còn còn khó khăn. Trong ảnh: khu thương mại - dịch vụ trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM thời điểm tháng 7-2023 (ảnh trái) và nay đã "hồi sinh" nhưng nhiều nơi vẫn còn treo bảng cho thuê mặt bằng, ảnh chụp trưa 24-6-2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Nguyễn Minh Thảo (trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương):
Cần cơ chế đặc biệt hỗ trợ DN
TS Nguyễn Minh Thảo
Việc lập ra một Ban chỉ đạo nhà nước về cải cách do Thủ tướng làm trưởng ban thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhưng môi trường đầu tư kinh doanh liên quan đến nhiều luật, nhiều bộ chuyên ngành khác nhau nên nếu có một ban do Thủ tướng làm trưởng ban, bộ trưởng, trưởng ngành là thành viên của ban chỉ đạo thì người đứng đầu Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo gỡ vướng cho DN. Các thủ tục về đầu tư kinh doanh, đặc biệt các dự án đầu tư lớn sẽ được giải quyết nhanh gọn hơn.
Tuy nhiên, điều này sẽ khó thực hiện nếu như ban chỉ đạo không có một cơ chế đặc biệt để hoạt động, việc thực hiện các thủ tục về đầu tư kinh doanh vẫn phải tuân thủ quy định các luật hiện hành. Vì vậy, việc ra đời Ban chỉ đạo nhà nước về cải cách phải được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế linh hoạt để giải quyết các thủ tục về đầu tư kinh doanh.
Đây sẽ là cơ chế đặc thù riêng để ban chỉ đạo vận hành, đưa ra quyết định trong cả một số trường hợp mà quy định pháp luật chưa có, còn nếu lập ra một ban cải cách nhưng không có cơ chế đặc biệt, mọi thủ tục vẫn phải thực hiện tuần tự sẽ không có nhiều ý nghĩa.
TS Nguyễn Quốc Việt (phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội):
Nên mở rộng gói tín dụng hỗ trợ xuất khẩu
TS Nguyễn Quốc Việt
Sự phục hồi của DN trong tháng 5, tháng 6 đã tốt hơn, xuất khẩu đạt tăng trưởng tốt nên phần nào hỗ trợ các DN trong chuỗi cung ứng xuất khẩu quay lại thị trường. Hơn nữa, khu vực sản xuất phục hồi cũng kéo theo chuỗi dịch vụ ăn theo, sự phục hồi ngành du lịch cũng rõ nét hơn.
Điều này hỗ trợ các DN dịch vụ quay trở lại thị trường. Sự khác biệt là vốn đăng ký thành lập mới DN ngày càng nhỏ đi, khối DN chế biến, chế tạo phục hồi chưa rõ nét.
Thực tế trên cho thấy đầu tư tư nhân còn hạn chế, sự phục hồi tăng trưởng chưa bền vững nên cần có thêm các giải pháp mới như miễn, giãn, hoãn các khoản phí, lệ phí cho DN.
Các chính sách hỗ trợ DN tham gia liên kết xuất khẩu hàng hóa đang được triển khai tốt, ví dụ như gói tín dụng hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, có thể mở rộng đối tượng được hưởng gói tín dụng hỗ trợ xuất khẩu theo hướng thúc đẩy sự liên kết, khuyến khích DN Việt tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hỗ trợ cả DN xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu gián tiếp thông qua các DN FDI lớn.
Chúng ta từng có chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nhưng rất manh mún, điều kiện được hưởng hỗ trợ rất hạn chế. Đáng nhẽ cần hỗ trợ DN quy mô vừa, đủ lớn để họ có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Cần thiết kế lại chính sách hỗ trợ này.